Tranh bá châu Âu Karl V của Thánh chế La Mã

Chiến tranh cho tới Hiệp ước Madrid

Để thực thi tham vọng trở thành người chỉ đạo của châu Âu, đế quốc của Karl cần phải trở nên hùng mạnh hơn các nước khác. Sự phồn vinh của Ý đã đóng một vai trò quan trọng ở đây, bởi vì ai có thể gây được những ảnh hưởng đáng kế tại khu vực này, thì việc trở thành bá chủ châu Âu là điều có thể. Ngoài ra, Karl muốn lấy lại những phần đất của Công quốc Bourgogne đã rơi vào tay Pháp năm 1477 về cho nhà Habsburg, vì những tổ tiên người Bourgogne của ông đều được chôn cất tại Dijon, vốn nay đã bị cắt cho Pháp. Một trong những ước mong ước được ghi lại trong di chúc năm 1522 nhấn mạnh tầm quan trọng của ao ước được chôn bên cạnh tổ tiên của mình trong nhà thờ Carthusian ở Dijon. Với những tham vọng này, ông đã tỏ rõ ý muốn sửa lại thỏa hiệp về việc phân chia di sản Bourgogne từ năm 1477. Karl cũng muốn chấm dứt quyền phong kiến của Pháp ở Flanders và Artois và cũng muốn biến các vùng Provence và Languedoc trở thành một chư hầu của Đế quốc.

Vua Pháp François I vốn cũng là một con người tham vọng, nên không có lý gì lại phải chấp nhận những yêu cầu này của Karl. Ông cũng có tuyên bố lãnh thổ ở Ý: sau khi giành chiến thắng trước quân Thụy Sĩ năm 1515, phần lớn vùng Thượng Ý, đặc biệt là Milano đã rơi vào tay Pháp, ngoài ra ông cũng đòi vương quốc Naples và các phần của vương quốc Navarre đã rơi vào tay Tây Ban Nha vào năm 1512.

Ngay từ năm 1520, Karl V đã đồng thuận cùng dượng là vua Anh Henry VIII lên kế hoạch đánh Pháp. Một năm sau, ông còn kêu gọi Giáo hoàng tham gia Liên minh chống Pháp. Trong bối cảnh đó, chiến tranh đã bắt đầu. Vào lúc đầu, vua Navarre Henri d'Albret đang sống lưu vong ở Pháp, đã tiến quân vào Navarre thuộc Tây Ban Nha, nhưng phải rút quân sau vài tuần. Chiến sự cũng đã xảy ra tại khu vực biên giới Pháp-Hà Lan. Nửa sau của năm 1520, cuộc đụng độ trực tiếp giữa Karl V và François I đã diễn ra ở vùng Champagne ở miền bắc nước Pháp và vùng Thượng Ý. Tháng 11 năm 1520, Henry VIII cũng chính thức tham chiến với tư cách là đồng minh của Hoàng đế. Vào lúc ban đầu, quân đội La Mã Thần thánh khá thành công và đã giành được nhiều thắng lợi, đến tháng 5 năm 1522, vùng Bắc Ý đã năm trong tay họ. Gia tộc Sforza nhận lại Milano với tư cách là chư hầu của Hoàng đế. Công tước Charles III de Bourbon-Montpensier đã từ bỏ vua Pháp. Tuy nhiên, ý đồ muốn cai trị một lãnh thổ độc lập, thoát khỏi sự kiềm chế của Vương miện Pháp đã thất bại. Charles III vì thế mà phải sống lưu vong trong triều đình La Mã Thần thánh. Điềm xấu mà trở nên càng ngày càng rõ rệt đó là việc Giáo hoàng và phía Venezia đang dần dần chuyển sang ủng hộ Pháp, và ở Ý đã dấy nên một phong trào chống đối Hoàng đế.

Về phía mình, người Pháp đã bắt đầu giành được những thắng lợi đầu tiên. Cuộc xâm lược Pháp của Anh cũng như cuộc tấn công Provence của La Mã Thần thánh vào năm 1524 đều bị đẩy lùi. Đổi lại, người Pháp đã chiếm được Milano, bao vây Pavia và do đó đã gần như kiểm soát gần như toàn bộ vùng Thượng Ý. Vào ngày 24 tháng 2 năm 1525, quân đội Karl V đã đánh bại quân Pháp một cách quyết định trong trận Pavia và bắt sống François I.

François I bị áp giải đến triều đình của Karl V ở Madrid. Karl V đã tranh cãi cùng các cố vấn của ông về việc làm thế nào để đối phó với vua bị bắt. Gattinara có lẽ đã muốn giết ông. Ông này cũng đã có ý nghĩ muốn huỷ diệt hoàn toàn nước Pháp. Tuy nhiên, Karl V đã đồng thuận với những đề xuất ký một hiệp ước hòa bình vừa phải.[24][25] Hiệp ước hòa bình được ký tại Madrid năm 1526, Pháp đã từ bỏ tuyên bố chủ quyền của mình ở miền Bắc nước Ý. Pháp cũng đã phải từ bỏ quyền phong kiến ở Flanders và Artois, và bị buộc phải khôi phục Công quốc Bourgogne. Về phần hoàng đế, các điều khoản của hiệp ước hòa bình được ông coi như là một hành động hoà giải. Ông còn hứa gả em gái Eleonore của mình với vua Pháp. Karl hy vọng có thể thuyết phục François I tham gia cuộc đấu chống lại người Ottoman và những người Tin Lành Lutheran. Tuy nhiên, người Pháp lại không coi hiệp ước hoà bình này là một hiệp ước vừa phải, thay vào đó, họ cảm thấy như bị kẻ địch khuất phục.[26][27]

Chiến tranh Liên minh Cognac

Sau khi được thả, François I đã phá bỏ hiệp ước vì khi bị bắt, ông đã bị ép phải chấp thuận. Mặt khác, ông đã thành công trong việc thành lập một liên minh chống Karl, đó là Liên minh Thần thánh Cognac. Liên minh này bao gồm Giáo hoàng, Venezia, Firenze và cuối cùng là Milano. Công quốc Bayern cũng thuộc về phe đối lập chống lại Habsburg. Chiến tranh nổ ra và tình hình trở nên nguy hiểm hơn với Karl khi người Thổ lăm le các vùng đất cốt lõi của dòng họ Habsburg ở Áo vào năm 1526.

Điều đã thay đổi lại cán cân quyền lực ở châu Âu là cuộc bành trướng của Đế quốc Ottoman. Những cuộc tấn công, xâm lược của quân đội Ottoman dọc theo bờ biển Địa Trung Hải và ở khu vực Balkan hướng về phía Viên đã đe doa lãnh thổ của dòng họ Habsburg và nền hoà bình ở Âu châu. Năm 1521, người Thổ chiếm được thành Beograd. Năm 1526, người Thổ đánh bại quân đội Hungari trong trận Mohács, khiến vua Lajos II tử trận. Cũng nhờ đó mà Ferdinand có được quyền thừa kế Böhmen và Hungari. Để tranh giành Hungari, nhà Habsburg đã phải giao tranh với người Thổ. Quân Thổ đã vây hãm thành Viên năm 1529 với một đội quân lên tới 120.000 người. Karl V vì đang phải lo đại sự ở Ý nên không thể tương cứu em trai. Ferdinand chỉ có thể kiểm soát được một phần nhỏ của Hungari.

Cuộc chiến với Pháp ngày càng vắt kiệt Quốc khố. Lực lượng Landsknecht ở vùng Thượng Ý trở nên không hài lòng. Thủ lĩnh của họ là Georg von Frundsberg bị tai biến mạch máu não khi đang cố gắn ngăn chặn cuộc binh biến của binh sĩ của mình. Đội quân tiến đến Rôma, thành phố bị họ gọi là "Con điếm Babylon". Viên chỉ huy của đội quân, Charles de Bourbon, mất lúc công phá thành Rôma vào ngày 5 tháng 5 năm 1527. Mất tướng, đội quân Hoàng gia cướp phá thành phố, sử gọi là "Sacco di Roma". Đây thực sự là một đòn đau đối với thành Rôma, phải mất nhiều thời gian nó mới khôi phục lại được. Giáo hoàng Clêmentê VII phải lui về Lâu đài Thiên Thần cố thủ, nhưng cũng phải đầu hàng vào đầu tháng 6 năm 1527. Và một lần nữa, một đối thủ của hoàng đế lại nằm trong tay ông và Karl lại tiếp tục tự đối xử với đối thủ một cách nhẹ nhàng. Dù Karl không phải là người đứng sau vụ cướp này, nhưng sự kiện này lại được xem như là bằng chứng cho mối đe doạ dành cho Chế độ Giáo hoàng bởi Hoàng đế và cho chính sách bạo lực của hoàng đế ở Ý. Bởi vậy mà liên minh chống liên minh chống Karl ở Ý lại càng mạnh và đế quốc La Mã Thần thánh ngày càng bị uy hiếp. Vận may đã đến với Karl V khi đô đốc Andrea Doria gia nhập phe của Hoàng đế cùng Hạm đội Genova, sau khi nền độc lập của Genova được bảo đảm. Như vậy, nguồn cung ứng lương thực của quân Pháp và Đồng minh ở Ý đã bị cắt đứt và liên quân chống Karl đã phải hứng chịu một thất bại quân sự. Vua François I lại một lần nữa phải cầu hoà với Karl.[28][29]

Hòa ước Cambrai được ký kết tại Pháp năm 1529, đã khẳng định việc Pháp sẽ từ bỏ lãnh thổ Ý. Việc từ bỏ tuyên bố chủ quyền phong kiến ​​của Pháp ở Flanders và Artois cũng được khẳng định. Về phần mình, hoàng đế đã từ bỏ yêu cầu trả lại công quốc Bourgogne. Với hoà bình đạt được, sự thống trị ở Ý của Karl và những người kế nhiệm ông đã được đảm bảo cho đến cuối thế kỷ 16. Tại hoà ước Barcelona, ​​Charles đã ban cho Đức Giáo hoàng điều kiện hòa bình thuận lợi và thiết lập một liên minh phòng vệ với nhau. Tuy nhiên, Karl đã không thể thành công trong việc vận động một hội đồng để cải cách Giáo hội. Sự hoà giải với Đức Giáo hoàng đã giúp Karl được trao vương miện sắt của người Lombard từ tay của Đức Giáo hoàng Clêmentê VII vào ngày 22 tháng 2 năm 1530 và ông đã đăng quang ngai vị Hoàng đế La Mã vào ngày 24 tháng 2 năm 1530 tại Vương cung thánh đường San PetronioBologna.[30] Karl V là vị hoàng đế La Mã-Đức cuối cùng được đăng quang bởi Giáo hoàng.[29][31]

Chiến tranh với Pháp và Đế quốc Ottoman

Hoà bình không kéo dài lâu. Vào năm 1532, một cuộc viễn chinh mới chống lại Đế quốc Ottoman đã được phát động. Karl V đích thân tham gia chiến dịch này, nhưng cũng không thể dành một thắng lợi quyết định. Karl đã về Tây Ban Nha để bắt đầu một cuộc "Thập tự chinh" chống lại người Thổ. Ông giao phó cuộc chiến trên lục địa lại cho em trai Ferdinand.[32]

Lễ nghi trang trọng của Charles V và Francis I năm 1540 tại ParisKarl V thông báo Giáo hoàng về chiến thắng ở Tunis 1535

Mối quan hệ với Giáo hoàng Clement VII, người càng ngày càng trở nên thân Pháp, trở nên tồi tệ hơn. Vua Anh Henry VIII cũng bắt đầu quay lưng với dòng họ Habsburg.[16] Tuy vậy, François I đã không thành công trong việc thiết lập liên minh chống lại Karl với giáo dân Tin Lành Đức. Người Pháp, mặt khác đã liên minh với những người Berber và người Ottoman từ năm 1534. Về mặt mình, Karl cũng không có đủ khả năng làm suy yếu liên minh Ottoman-Pháp. Tuy vậy, người Pháp cũng không thể sửa lại kết quả của hòa ước của Cambrai. Ngược lại, sau khi dòng họ Sforza tuyệt tự, Karl đã thành công trong việc biến Milano trở lại thành một nước chư hầu và giao nó cho con trai ông là Felipe. Karll đã thu về một thắng lợi quan trọng trong năm 1535 bằng việc chinh phục thành Tunis trong chiến dịch Tunis. Đây là lần đầu tiên mà đích thân Hoàng đế tham gia vào một trận chiến. Chiến thắng đã làm tăng uy tín của ông ở châu Âu. Từ Tunis, ông viếng thăm vương quốc Napoli, bao gồm Nhà thờ San Lorenzo di Padula, và di chuyển từ đó đến Rôma. Sự xuất hiện của ông ở đó được xem như là một lễ khải hoàn. Tuy vậy, binh lực của người Berber vẫn không hề bị phá vỡ.[16] François I chiếm được thành Torino. Karl V đã có một bài phát biểu dài tại Vatican vào Thứ Hai Phục Sinh, cáo buộc nhà vua Pháp đã phá vỡ hòa bình và kêu gọi Giáo hoàng làm trọng tài. Tuy bài diễn văn này được hình thành như một chiến dịch tuyên truyền trước công chúng Ý, nó vẫn không thể thuyết phục được Giáo hoàng. Theo kế của Andrea Doria, Karl đã quyết định phát động một cuộc phản công theo hướng Marseille. Tuy nhiên, cuộc tấn công vào thành phố đã thất bại và quân đội hoàng gia đã phải quay lại Lombardia. Vào lúc này, sự hợp tác giữa Pháp với người Thổ đã thúc đẩy Giáo hoàng xích lại gần Karl hơn. Năm 1538, một liên minh chống Thổ đã được thành lập giữa Karl, em trai Ferdinand của ông, Venezia và Giáo hoàng. Cũng trong năm đó, Giáo hoàng Phaolô III đã đứng ra giàn xếp Hoà ước Nice kéo dài 10 năm giữa Karl V và François I, qua đó khẳng định tình trạng Status quo ở Ý. Sau cuộc gặp giữa Karl và François I, dương như một sự hoà giải đã có thể xảy ra.[16]

Chiến tranh chống Pháp đến hoà ước Crépy

Từ năm 1540, Karl và François I đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc đụng độ tiếp theo bằng con đường ngoại giao. Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi một sứ giả người Pháp gửi đến Istanbul bị binh sĩ Tây Ban Nha sát hại trên đường trở về nhà. Cho dù Karl tuyên bố vô tội, nhưng ông ta không phải là không có liên quan. Thay vì giúp đỡ em trai của mình trên mặt trận Hungari, Karl đã ra lệnh gửi một hạm đội tới Algiers vào năm 1541. Tuy nhiên, cuộc viễn chinh đã thất bại, khi nhiều chiến hạm bị bão đánh chìm. François I, người vẫn còn liên minh với Đế quốc Ottoman, tuyên chiến chiến với Karl V năm 1543. Karl V lần này chỉ ở thế thủ và vì vậy đã dành hàng loạt thắng lợi trước các cuộc tấn công của người Pháp (xem thêm: Cuộc vây hãm Nice (1543)). Một liên minh ít quan trọng của Pháp là với Đan MạchThuỵ Điển. Karl liên minh với Henry VIII năm 1543. Thay vì tìm kiếm quyết định ở Địa Trung Hải, Karl đã tập trung sự chú ý của mình vào Trung Âu. Với sự thất bại của công tước Wilhelm von Kleve, François đánh mất đồng minh cuối cùng bên trong Đế quốc La Mẫ Thần thánh. Năm 1544, hoàng đế và Reichsstände đã đồng thuận trong việc chống lại Pháp. Sau đó, Karl đã tiến binh vào lãnh thổ của Pháp. Tuy nhiên, bước tiến của quân đội Hoàng gia đã bị chiến thuật đối nghịch và các pháo đài của người Pháp chặn đứng. Vua Anh Henry VIII chủ yếu tập trung vào cuộc bao vây Boulogne-sur-Mer. Quân đội bắt đầu tan rã vì thiếu lương trả cho họ. Vì thế mà một cuộc tấn công vào Paris đã không thể xảy ra. Tuy nhiên, François I lại một lần nữa cầu hoà, kết quả là hoà ước Crépy được ký kết năm 1544. François I cam kết từ bỏ ý định liên minh với vương hầu Tin lành trong đế quốc La Mã Thần thánh và cam kết sẽ gửi người đại diện đến bất kỳ hội nghị nào diễn ra trên lãnh thổ của đế quốc.[33][34]

=

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Karl V của Thánh chế La Mã http://www.deutsche-biographie.de/pnd118560093.htm... http://www.deutschlandfunk.de/herrscher-eines-reic... http://www.motecuhzoma.de/cort-karl.html http://www.spiegel.de/spiegelgeschichte/a-666923.h... http://elib.uni-stuttgart.de/opus/volltexte/2004/1... http://www.ccel.org/ccel/schaff/encyc07/Page_72.ht... http://www.crivoice.org/creededictworms.html https://books.google.com/books?id=KZ5D2WOqidoC&pg=... https://books.google.com/books?id=XBg1AQAAIAAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=fj19CAAAQBAJ&pg=...